Đánh dấu mốc quan trọng và từng bước khẳng định vị trí cũng như phát huy vai trò vượt bậc của mình trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, kết nối – phục vụ cộng đồng, ngày 20/11/2021, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập (1996-2021) và Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 theo hình thức trực tuyến.
Lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (1996-2021) và Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Tham dự buổi lễ Kỷ niệm, Ban Giám hiệu Nhà trường có GS.TS. Đinh Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng Thường trực; GS.TS Nguyễn Công Nghiệp, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; TS. Đỗ Quế Lượng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị; PGS.TS. Hà Đức Trụ, Phó Hiệu trưởng; GS.TS.NGND Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Đỗ Minh Cương, Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Phạm Dương Châu, Phó Hiệu trưởng; Phó Hiệu trưởng Trần Đức Minh cùng Đại diện Đảng ủy, Công Đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên; Đại diện Lãnh đạo các đơn vị, Khoa, Phòng, Ban, Trung tâm; đại diện các đơn vị báo chí, truyền thông; Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội cùng các thầy, cô giáo và đại diện Nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên của Nhà trường.
Chương trình được phát sóng trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội từ 9:00 – 10:10 cùng ngày. Tất cả những người tham dự đều đã được tiêm Vắc-xin phòng Covid-19, có kết quả kiểm tra âm tính với Covid-19, thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia.
Trường ĐH Dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội (sau đổi tên thành Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) được thành lập tháng 6/1996, do Giáo sư Trần Phương – Nguyên Ủy viên Trung ương ĐCSVN (Khóa IV và V), nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam làm Hiệu trưởng. Trường là cơ sở đào tạo đa ngành (27 ngành); đa trình độ (Cao đẳng, Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ), đa hình thức (Chính quy, Liên thông, Vừa làm – Vừa học, Trực tuyến). Trường một tổ chức hợp tác của những người lao động trí óc, tự nguyện góp sức, góp vốn để xây dựng và phát triển trường bền vững, không vì mục đích lợi nhuận với sứ mệnh: Đào tạo các nhà kinh tế thực hành, các nhà kỹ thuật – công nghệ thực hành; các bác sĩ, dược sĩ, cử nhân điều dưỡng giỏi Y thuật và giàu Y đức tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Là một trong những trường đại học ngoài công lập có cơ sở đào tạo riêng, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội luôn chú trọng đầu tư nghiêm túc cho cơ sở vật chất, coi đó là điều kiện cơ bản để tạo dựng một trường đại học đúng nghĩa. Đây cũng chính là thế mạnh của trường so với các trường đại học ngoài công lập khác trên địa bàn Hà Nội nói riêng và toàn quốc nói chung.
Thành công chuyển đổi từ trường dân lập sang tư thục, với nhiều đột phá trong hoạt động nghiên cứu và giảng dạy, đào tạo nên nhiều thế hệ tài năng trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã hình thành một thương hiệu uy tín trong lĩnh vực giáo dục Việt Nam. Sau 25 năm phát triển, Trường đặt mục tiêu vươn lên tầm cao mới: Trở thành một trong những đại học trẻ được ngưỡng mộ nhất Châu Á, đào tạo nên những con người phát triển toàn diện, có khả năng học tập suốt đời, tác động tích cực và truyền cảm hứng cho xã hội.
GS.TS. Đinh Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng Thường trực Nhà trường phát biểu
khai mạc tại buổi Lễ
Thay mặt Ban Giám hiệu phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm, GS.TS. Đinh Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng Thường trực Nhà trường đã chia sẻ về quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trong một phần tư thế kỷ qua.
Với 25 năm phát triển, mặc dù gặp khá nhiều khó khăn nhưng bằng sự đoàn kết, tinh thần dấn thân, Trường đã ngày càng phát triển lớn mạnh, khẳng định được vị thế và đóng góp to lớn cho nền giáo dục Việt Nam. Khi mới thành lập, Trường chỉ có 3 ngành học: Tiếng Anh, Công nghệ thông tin, Quản lý kinh doanh. Đến nay, Trường đã có 27 ngành học gồm 4 khối đào tạo: Khối Kinh tế, Kinh doanh và Quản lý; Khối Kỹ thuật – Công nghệ; Khối Sức khỏe và Khối Ngoại ngữ; 10 chuyên ngành đào tạo Thạc sĩ; 01 chuyên ngành đào tạo Tiến sĩ. Năm học đầu tiên, Trường tuyển sinh được 850 sinh viên khóa I. Qua 25 năm hoạt động, Trường đã tiếp nhận 144.600 học viên và sinh viên. Số đã tốt nghiệp là 109.636 người (Cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư: 88.117 người; Thạc sĩ: 3.517 người; Tiến sĩ: 13 người). Nhiều sinh viên đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Sinh viên của Trường được các cơ quan tuyển dụng và người sử dụng lao động đánh giá cao, ngoài kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp, thành thạo kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, các kỹ năng mềm mà còn tương đối thành thạo về ngoại ngữ. Hầu hết sinh viên đều có việc làm ngay khi ra trường với mức lương khá cao.
Đội ngũ cán bộ quản lý và cơ hữu của Trường ban đầu chỉ từ vài chục người, đến nay đã tăng lên 1.200 người, trong đó có 86 Giáo sư, Phó Giáo sư; 122 Tiến sĩ, 670 Thạc sĩ và 225 Cử nhân, Kỹ sư, Bác sĩ (trình độ đại học) với chuyên môn cao, tâm huyết và trách nhiệm.
Ngày mới thành lập, Trường gặp khá nhiều khó khăn, phải đi thuê trụ sở và phòng học. Đến nay, Trường đã có 3 cơ sở khang trang, hiện đại tại Vĩnh Tuy – Hà Nội, Từ Sơn – Bắc Ninh, Lương Sơn – Hoà Bình với tổng diện tích gần 22ha, có đủ Phòng học, Phòng thực hành, Phòng thí nghiệm, Phòng tập đa năng… được trang bị phương tiện, thiết bị và đồ dùng dạy học hiện đại, thiết kế khoa học, rộng rãi, thân thiện, tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên học tập và nghiên cứu. 4.600 máy vi tính có kết nối mạng internet; 396 máy chiếu; gần 300 phòng học lắp đặt thiết bị vân tay; 99 phòng thí nghiệm, thực hành; 12 xe ô tô cùng một số loại máy móc chuyên dụng khác được trang bị phục vụ cho công tác giảng dạy.
Công tác nghiên cứu khoa học của Trường đã có sự sự bứt phá khi số lượng công trình khoa học tăng trưởng ổn định qua từng năm: 74 đề tài Nghiên cứu khoa học được đăng ký và bảo vệ thành công, trong đó có 6 đề tài cấp Nhà nước, 41 đề tài cấp Bộ, 27 đề tài cấp Trường và 406 báo cáo khoa học do cán bộ giảng viên cơ hữu thực hiện.
Trường có nền tài chính vững vàng với nguồn thu chủ yếu từ học phí, đủ đáp ứng cho yêu cầu chi cho đào tạo, quản lý và xây dựng cơ sở vật chất theo nguyên tắc cân bằng thu chi và tự lực cánh sinh.
Về hoạt động hợp tác quốc tế, năm 1998, Trường ký thoả thuận hợp tác với Đại học Saxion (Hà Lan) cho gần 20 sinh viên đi du học châu Âu. Đến nay Trường đã hợp tác với một số Trường Đại học, tổ chức giáo dục ở Hà Lan, Đài Loan, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga, Hàn Quốc, Hoa kỳ, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Úc, Canada,… Đã có hàng ngàn sinh viên, học viên Cao học đi du học và tốt nghiệp, một số trở thành giảng viên cơ hữu của Trường. Ngoài ra, Trường còn có trên 20 sinh viên Lào đã tốt nghiệp chuyên ngành Dược học.
Trong những năm qua, Trường đã thực hiện việc Kiểm định chất lượng theo 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí và đạt yêu cầu theo quy định. Thời gian gần đây, Đoàn Kiểm định chất lượng đánh giá ngoài của Hiệp hội các Trường Đại học và Cao đẳng đã tiến hành việc khảo sát sơ bộ, Khảo sát chính thức phục vụ cho công tác Kiểm định chất lượng của Trường ta. Qua tổng kết công bố kết quả, Trường đạt 113 điểm mạnh và có 81 điểm khuyến nghị theo 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí. Điều đó khẳng định Nhà trường đang hoạt động đúng hướng và đạt chất lượng theo quy định.
Đảng bộ Nhà trường được tổ chức theo nguyên tắc, điều lệ Đảng; là một tổ chức trực thuộc Đảng bộ Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội với các chi bộ đạt Chi bộ trong sạch, vững mạnh và đã nhận nhiều bằng, giấy khen của Đảng bộ cấp trên.
Tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên của Trường hàng năm đều thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm đối với cộng đồng, ủng hộ đồng bào vùng sâu vùng xa, học sinh nghèo, vận động cán bộ, giảng viên, công nhân viên ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt khi có thiên tai xảy ra; tổ chức hiến máu nhân đạo theo định kỳ…, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen.
Với những thành tích kể trên, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba nhân dịp kỷ niệm 20, 15, 10 năm thành lập. Thay mặt Đảng, Nhà nước đến tham dự Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập và trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Nhà trường, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) biểu dương những thành tích mà thầy và trò Nhà trường đã đạt được trong nhiều năm qua, đồng thời nhấn mạnh: “Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có mô hình tổ chức quản lý theo cơ chế phi lợi nhuận và chú trọng chất lượng đầu ra. Những kết quả đạt được của Trường đã khẳng định sự đúng đắn đường lối xã hội hóa giáo dục của nước ta”.
Đại diện Lưu học sinh Lào tặng hoa GS.TS. Đinh Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng Thường trực Nhà trường
GS.TS. Đinh Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng Thường trực Nhà trường nhấn mạnh, thành tích đạt được sau 25 năm nỗ lực, phấn đấu không chỉ khẳng định vị thế, uy tín, năng lực hội nhập của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trong hệ thống giáo dục tại Việt Nam, với cộng đồng đại học tiên tiến trên thế giới mà còn xác định vai trò nòng cốt của Trường trong sứ mệnh đào tạo đại học. GS.TS. Đinh Văn Tiến cũng yêu cầu các cán bộ, giảng viên tiếp tục phát huy vai trò của mình trong công tác giáo dục đào tạo, góp phần khẳng định vị thế, thương hiệu của Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân nói riêng và toàn xã hội nói chung.
Nghiên cứu sinh Đặng Văn Quang, Giảng viên Khoa Kế toán chia sẻ cảm xúc tại buổi Lễ
Tại buổi Lễ, các Nghiên cứu sinh, Cựu sinh viên của Nhà trường cũng dành những lời chúc mừng tốt đẹp nhất và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Ban Giám hiệu, các thầy, cô giáo đã luôn quan tâm, giúp đỡ, truyền đạt kiến thức bổ ích cho nhiều thế hệ học viên, sinh viên. Đồng thời cũng hứa quyết tâm sẽ tiếp tục nỗ lực rèn luyện, phấn đấu trong công việc, cuộc sống, góp phần đưa uy tín, hình ảnh Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội bay cao, bay xa hơn nữa trong tương lai./.
Cựu sinh viên Khóa 22, Lê Thị Diệu Linh phát biểu cảm nghĩ tại buổi Lễ
Đại diện Lưu học sinh Lào phát biểu cảm nghĩ tại buổi Lễ
Một số hình ảnh nổi bật của buổi Lễ:
Theo Hubt