banner1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ Kỷ niêm 20 năm thành lập Trường

Sáng ngày 13-12, thầy và trò Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã long trọng đón tiếp đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị; Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cùng các đồng chí lãnh đạo bộ, ban, ngành Trung ương và TP Hà Nội đến dự Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Trường Đại học kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (1996-2016) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ Kỷ niêm 20 năm thành lập Trường 1
Đón Đoàn công tác của Thủ tướng đến làm việc, về phía lãnh đạo nhà trường có: Giáo sư – Hiệu trưởng Trần Phương, các phó Hiệu trưởng: GS.TS Vũ Văn Hóa, GS. TS Đinh Văn Tiến, PGS. TS Hà Đức Trụ, PGS. TS Đỗ Minh Cương, TS. Lê Khắc Đóa, TS. Đỗ Quế Lượng; các Trưởng khoa và đại diện các phòng ban trong nhà trường.
Sau khi thăm một số phòng học của Khoa Công nghệ thông tin, Thủ tướng và các vị đại biểu đã đến tham dự buổi lễ đón Huân chương lao động hạng nhất nhân dịp Kỷ niệm 20 năm thành lập trường. Khi bắt đầu buổi lễ, Giáo sư – Hiệu trưởng Trần Phương lên phát biểu chào mừng nhân dịp Trường được đón nhận Huân chương lao động hạng nhất và Kỷ niệm 20 năm thành lập trường. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng nỗ lực phấn đấu và kết quả đạt được của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, nhân viên, người lao động và sinh viên của trường. Thủ tướng cho rằng những kết quả đạt được của trường khẳng định sự đúng đắn của đường lối xã hội hóa giáo dục ở nước ta, được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ Kỷ niêm 20 năm thành lập Trường 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm một số phòng học của Khoa Công nghệ thông tin
Thủ tướng nhấn mạnh: Trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển rất nhanh, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn thách thức đối với nước ta, Đảng, Nhà nước đã xác định phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao là một khâu đột phá chiến lược của đất nước, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phải nỗ lực đổi mới dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; thầy và trò nhà trường phải phấn đấu xây dựng trường thành một cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng linh hoạt nhu cầu nhân lực đa dạng của nền kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn nhà trường tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và thành tích đã đạt được, khắc phục khó khăn, thách thức; thi đua dạy tốt – học tốt, thực hiện thành công các tôn chỉ, mục đích đề ra là đào tạo các nhà kinh tế thực hành, các nhà kỹ thuật thực hành; lấy đào tạo nghề nghiệp, thực hành làm định hướng chủ yếu.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là:
 
Thứ nhất, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nội dung, phương thức đào tạo để phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, đây là thế mạnh của Trường, cần đặc biệt chú trọng, phát huy. Đào tạo phải gắn với nhu cầu thị trường lao động. Đội ngũ sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực, trình độ thực tiễn, đáp ứng tốt nhu cầu của nhà tuyển dụng, không chỉ là các doanh nghiệp trong nước, đáp ứng được nhu cầu nhân lực kỹ thuật cao của nhà đầu tư nước ngoài.
 
Thứ hai, Trường cần tiếp tục phát huy thế mạnh của mình, xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý ngày càng vững mạnh. Đồng thời, cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thực hiện các đề tài nghiên cứu, tham gia phản biện và nghiên cứu góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, phải gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Nếu chỉ có giảng dạy mà không nghiên cứu thì cũng chỉ là giảng dạy những lý thuyết, ngược lại, nếu chỉ có nghiên cứu mà không giảng dạy thì không truyền tải được kết quả nghiên cứu, khiến cho nghiên cứu không có giá trị học tập và ứng dụng. Các nghiên cứu phải gắn với thực tiễn đời sống kinh tế xã hội, giải quyết được những vấn đề mà nền kinh tế, doanh nghiệp và xã hội đặt ra, đặc biệt là có khả năng công bố quốc tế.
 
Thứ ba, Thủ tướng mong muốn các em sinh viên cần có quyết tâm cao để học thật giỏi, rèn luyện đạo đức, nhân cách, nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, có những ước mơ, hoài bão lớn; năng động sáng tạo trong học tập, nghiên cứu và hoạt động thực tiễn, trang bị kiến thức cùng với các kỹ năng mềm thật tốt, chuẩn bị hành trang thật đầy đủ để vào đời một cách bản lĩnh và tự tin. Sau khi tốt nghiệp, dù công tác ở lĩnh vực nào, các em sinh viên phải luôn phấn đấu trở thành những công dân gương mẫu, tạo dựng vốn xã hội, tạo lập nền tảng kinh tế vững chắc cho bản thân và gia đình, đóng góp tích cực cho sự phát triển và tiến bộ xã hội.
 
Thứ tư, Thủ tướng đề nghị Nhà trường tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ dạy và học (phòng học, thư viện, trang thiết bị thực hành…);  ưu tiên dành phần thặng dư ngân sách hàng năm có được để tái đầu tư như thời gian qua các trường đã làm. Cấp nhiều học bổng cho sinh viên xuất sắc, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên học các chuyên ngành sư phạm ở vùng sâu, vùng xa, thuộc các dân tộc thiểu số. Tạo mọi thuận lợi cho sinh viên, học viên trong học tập, nghiên cứu, chú trọng trang bị kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng trình bày, diễn thuyết, thuyết phục, giải quyết tình huống… Đặc biệt cần trang bị kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên; tổ chức nhiều hoạt động thực tiễn giúp sinh viên sáng tạo, trải nghiệm để trưởng thành về trí tuệ và năng lực thực hành.
Thứ năm, Trường cần không ngừng hoàn thiện mô hình tổ chức, hoạt động để trở thành một điển hình tốt về cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập; tích cực đóng góp, đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan với các cơ quan chức năng để tiếp tục hoàn thiện mô hình giáo dục đại học ngoài công lập và hệ thống giáo dục nói chung.
 
Bốn câu hỏi lớn về đại học tư thục
Nhân dịp này, Thủ tướng cho biết ông và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn lắng nghe quan điểm của Đại học Kinh doanh và Công nghệ về một số vấn đề then chốt.
 
Một là vấn đề tuyển sinh. Nhiều trường đại học tư thục gặp khó khăn trong vấn đề tuyển sinh, kinh nghiệm thành công trong tuyển sinh của trường  là gì? Thủ tướng đề nghị Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mạnh dạn đề xuất mô hình và giải pháp đột phá trong tuyển sinh của trường nói riêng cũng như cho tất cả các trường đại học nói chung. Có cần sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác tuyển sinh cao hơn nữa hay không?
Hai là vấn đề tự chủ đại học. Là một trường đại học tư thục, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có được trao quyền tự chủ tối đa trong quản trị đại học hay không? Thủ tướng muốn nghe các đề xuất từ phía trường trong vai trò là một trường đại học tư thục về những chính sách và giải pháp để nâng cao tính tự chủ trong quản trị đại học của trường nói riêng, các trường tư thục nói chung thời gian tới.
Vấn đề thứ ba là huy động nguồn lực, nguồn viện trợ, tài trợ trong vai trò của mình. Từ góc nhìn của nhà trường, Chính phủ cần làm gì, bằng cơ chế và chính sách nào để người dân không chỉ có người giàu, bất kỳ người Việt Nam nào, trong nước hay nước ngoài, đều có thể đóng góp sức người, sức của, tiền bạc, vật chất, trí tuệ, vốn… vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam nói chung, giáo dục đại học Việt Nam nói riêng.
Thứ tư là vấn đề đất đai và cơ sở hạ tầng. Tiếp cận đất đai và đầu tư cơ sở hạ tầng đối với trường tư thục thường khó khăn và tốn kém đối với nhiều trường đại học. Với vị trí là một trường đại học tư thục, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có gặp khó khăn này không? Không chỉ trước mắt mà trên cơ sở định hướng phát triển lâu dài của mình, đâu là cơ chế và chính sách liên quan đến đất đai và vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng mà được cho là rào cản của Nhà nước nói riêng cũng như đối với các trường đại học tư thục hiện nay? Nhà trường có đề xuất gì để tháo gỡ các khó khăn này, không chỉ cho các nhân nhà trường mà cho cả khối trường đại học tư thục nói chung.
“Tôi rất mong có được những chia sẻ thẳng thắn, chân tình”, Thủ tướng bày tỏ.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ Kỷ niêm 20 năm thành lập Trường 3
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian đến thăm, động viên với thầy trò nhà trường, Giáo sư – Hiệu trưởng Trần Phương cũng đã điểm lại tình hình phát triển của nhà trường trong 20 năm qua. Giáo sư Trần Phương nhấn mạnh: “Thưa đồng chí Thủ tướng và đồng chí Bộ trưởng. Hầu hết các thầy cô giáo của chúng tôi đã cả đời phục vụ đất nước rồi thì bây giờ còn một số năm để phục vụ cho giảng dạy. Hiện nay, chúng tôi có số vốn tích lũy khá lớn, đó là vì chúng tôi không chia lợi nhuận cho ai mà dùng số tiền đó làm tái đầu tư cho cơ ngơi nhà trường. Như các vị đã thấy, sau 20 năm, cơ ngơi của trường có giá trị trên 1000 tỷ. Một số trường đại học ngoài công lập đang đi theo con đường kiếm lợi nhuận hơn là đầu tư cho cơ sở vật chất và tích lũy. Vậy nên, mô hình các trường đại học ngoài công lập phi lợi nhuận nên được Bộ GD-ĐT khuyến khích”…
Được thành lập năm 1996, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là nơi hội tụ những nhà trí thức có kinh nghiệm, có uy tín trên nhiều lĩnh vực với mục tiêu đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Trải qua 20 năm xây dựng, Trường đã có sự phát triển vượt bậc, đạt được những kết quả to lớn, trở thành một cơ sở đào tạo đại học mạnh, cung cấp cho đất nước một lượng lớn lực lượng lao động có chất lượng cao.
Từ 3 ngành học ban đầu, Trường đã có 20 chuyên ngành ở 4 khối đào tạo đại học, 5 ngành đào tạo thạc sỹ, 1 ngành đào tạo tiến sỹ, đã cho ra trường hơn 52.000 cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, gần 2.000 thạc sỹ ở nhiều chuyên ngành, đóng góp vào sự phát triển đất nước. Trường đã tiếp nhận 117.000 sinh viên, trong đó có 1.000 sinh viên Lào, Campuchia; đã cấp bằng tốt nghiệp trên 64.000 cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, hàng ngàn thạc sĩ. Trường đã xây dựng được đội ngũ cán bộ giảng dạy, quản lý, hệ thống chương trình, giáo trình, bài giảng, đề thi, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày càng hoàn thiện đáp ứng yêu cầu đào tạo và tạo tiền đề cho sự phát triển vững chắc của Trường trong tương lai.Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ Kỷ niêm 20 năm thành lập Trường 4
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
Trước khi ra về, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD – ĐT và các vị đại biểu còn đến thăm Phòng truyền thống của nhà trường – nơi lưu giữ những hình ảnh từ ngày trường mới được thành lập cho đến những kỷ vật quý báu mà trường được biếu tặng. Tại đây, Thủ tướng và Bộ trưởng đã viết những dòng lưu bút dành tặng cho nhà trường. Và chúc cho trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, phấn đấu trở thành một trường đại học chất lượng, sản sinh ra nhiều hiền tài cho đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ Kỷ niêm 20 năm thành lập Trường 5
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết những dòng lưu bút dành tặng cho nhà trường
“Theo nguồn hubt”

Mọi thắc mắc về chương trình Tuyển sinh - Đào tạo xin vui lòng để lại bình luận bên dưới để được tư vấn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ Kỷ niêm 20 năm thành lập Trường 6

Bình luận của bạn

comments

Danh Mục